Lao động nông nghiệp giảm mạnh: Xu hướng chuyển dịch tích cực
Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm mạnh. Ảnh: ILO
Giảm 9% trong 5 năm
Trao đổi về thông tin TTLĐ mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, theo số liệu thống kê 5 năm qua, tính đến quý I/2019 lực lượng lao động (LLLĐ) đã tăng hơn 2 triệu người so với quý I/2014. Nếu tính theo năm, mỗi năm LLLĐ chỉ tăng 400 nghìn người, tính theo từng quý, sự dịch chuyển lao động là chậm, nhưng nếu nhìn cả 5 năm sẽ thấy LLLĐ đã và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tích cực. Đáng chú ý, LLLĐ nông nghiệp đã giảm 9%, bên cạnh đó lực lượng làm công hưởng lương tăng 9%. Đây là sự dịch chuyển cơ cấu lao động rất đáng mừng.
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, TTLĐ năm 2014 có tỷ lệ lao động qua đào tạo là 18%, đến năm 2019 tỷ lệ này là khoảng trên 23%. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện được đào tạo, công việc tương xứng, phù hợp với trình độ đào tạo như thế nào lại là một tiêu chí đáng quan tâm. Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, đối với một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ người lao động có trình độ học vấn cao nhưng phải làm công việc thấp hơn so với trình độ chiếm khoảng 40%; những người trình độ thấp những phải đảm nhiệm công việc cao hơn khoảng 20%.
Chỉ khoảng 40% lao động là tương xứng trình độ đào tạo với công việc đang làm. Trên thế giới, xu hướng về tỷ lệ lao động tương xứng với trình độ đào tạo đang tăng lên. Nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này lại đang có xu hướng giảm, điều này cho thấy có sự lãng phí trong GD-ĐT, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa công việc đang làm và trình độ đào tạo.
Điểm cận biên của sự chuyển dịch
Theo ILO, thời điểm năm 2000, TTLĐ Việt Nam có gần 65,3% LLLĐ có việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến nay, tỷ trọng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã giảm xuống còn khoảng 37,2%. Một tỷ lệ đáng kể lao động nông nghiệp đã được phân bổ vào lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Tại thời điểm năm 2000, nông nghiệp là lĩnh vực tuyển dụng nhiều lao động nhất, thì ngày nay lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau, lần lượt là 37,3% và 37,2% và theo sát là lĩnh vực công nghiệp 25,5% tổng số việc làm.
Một chỉ số được sử dụng để phân tích TTLĐ là tình trạng việc làm, ở Việt Nam LLLĐ tham gia vào việc làm của gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế nông thôn. Có thể nhận thấy, tổng tỷ trọng lao động tham gia vào việc làm của gia đình trên tổng số việc làm đã giảm hơn một nửa trong 20 năm qua. Trái lại, công nghiệp đã trở thành ngành tuyển dụng nhiều lao động hơn, tỷ trọng người lao động trên tổng số việc làm đã tăng hơn gấp đôi trong cùng thời gian này.
Bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế lao động của ILO tại Việt Nam cho rằng: “Yếu tố then chốt đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là sự chuyển dịch của gần một phần ba LLLĐ từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam đã gần chạm đến điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể tiếp tục góp phần tăng năng suất. Giờ đây, vấn đề quan trọng là phải tìm kiếm các giải pháp mới để tăng năng suất”.
Giải pháp bứt phá tăng năng suất lao động
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, TTLĐ biến động nhanh chóng, người lao động phải thay đổi việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp thường xuyên hơn. Tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng đối với quốc gia. Đối với Việt Nam, phát triển LLLĐ, đòi hỏi phải chú trọng xây dựng TTLĐ phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2019, TTLĐ là một trong những lựa chọn bứt phá của ngành. Để xây dựng TTLĐ đồng bộ, đầu tiên phải chú trọng kết nối cung cầu, dự báo, chiến lược dài hạn, ngắn hạn trong các ngành nghề, lĩnh vực từ đó có chiến lược lâu dài, sử dụng phù hợp nguồn nhân lực. Xu hướng là tạo cho người lao động lựa chọn thông minh, biết chọn những công việc, lĩnh vực mà mình có khả năng tham gia và phù hợp với năng lực, sở trường. Đặc biệt là lựa chọn thông qua giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời kết nối đồng bộ giữa đào tạo với tạo việc làm, với xuất khẩu lao động, giữa đào tạo mới với đào tạo lại. Tiếp tục chuyển dịch dần số lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức.