Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hiện nay diện tích rau họ thập tự toàn tỉnh Lâm Đồng đang nhiễm bệnh sưng rễ khoảng 500ha, trong đó nhiễm nặng đến 100ha. Bệnh này do nấm (Plasmodiophora brassicae W) gây hại tại Đà Lạt cuối năm 2003 rồi lây lan đến các địa bàn Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng.
Ảnh minh họa
Trong những năm qua, nông dân sử dụng thuốc Nebijin 0.3DP (hoạt chất Flusulfamide) để xử lý đất trước khi trồng, hiệu lực phòng trừ bệnh sưng rễ rau họ thập tự đạt 90%. Tuy nhiên, từ ngày 23/11/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã loại khỏi danh mục cho phép sử dụng thuốc Nebijin 0.3DP, thuộc nhóm độc 2, nên nông dân thường sử dụng phân bón rễ để thay thế nhưng không hiệu quả, khiến nhiều diện tích canh tác đến 30 ngày sau trồng đã bị bệnh sưng rễ gây hại từ 40-50%.
Để chủ động phòng ngừa bệnh sưng rễ rau họ thập tự, Chi cục khuyến cáo nông dân nên sử dụng cây giống sạch bệnh; bón phân cân đối, không bón phân chuồng chưa hoai mục; bón vôi giữ độ pH đạt từ 6 – 7; luân canh các cây trồng khác như khoai tây, cà rốt, cà chua…Đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện và tiêu huỷ các cây nhiễm bệnh bằng cách đốt hoặc chôn lấp xuống hố đào…
Về biện pháp hóa học, có thể pha 50-75g thuốc Biobac 50WP/bình 25 lít nước, phun xử lý đất trước khi trồng, sau đó phun tưới gốc 15-20 ngày một lần với liều lượng 500-700 lít/ha. Với thuốc Geckko 20SC, pha 50mlthuốc/10 lít nước nhúng vào cây giống trước khi trồng. Sau trồng 5 – 20 ngày, phun 2 lần quanh gốc cây, mỗi lần với liều lượng pha 10ml thuốc/10 lít nước.