Dù chính quyền và ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng nông dân phá rừng chuyển đổi sang trồng loại cây khác vẫn tiếp diễn.
Do cây tràm và bạch đàn hiệu quả thấp nên hiện nay nông dân vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã ồ ạt phá bỏ diện tích rừng này để chuyển sang trồng cây khóm (dứa) và thanh long ruột đỏ với vọng có lợi nhuận cao.
Nông dân huyện Tân Phước (Tiền Giang) đốn phá rừng tràm để trồng dứa.
Đáng quan tâm là tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và khu vùng đệm ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước có gần 400 ha rừng tràm, bạch đàn nhưng hiện nay, nông dân vùng này đã phá bỏ hơn 80 ha đất rừng để trồng khóm.
Toàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hiện nay chỉ còn dưới 3.000 ha rừng gồm cây tràm và cây bạch đàn. Dù chính quyền và ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng nhưng do vấn đề kinh tế nên chưa thể ngăn chặn tình trạng nông dân phá rừng chuyển đổi sang trồng loại cây khác.
Ông Dương Quốc Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết, cây khóm đang cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân trong vùng đệm đã tự phát lên liếp để trồng loại cây này.
“Khu vực vùng đệm có 82 ha đất đã được người dân lên liếp trồng khóm. Khi nhà nước đã quy hoạch đất thuộc vùng đệm thì việc sản xuất của người dân sẽ không có chính sách nào hỗ trợ. Người dân tự phát trồng khóm, xã chỉ nắm tình hình và báo lên cấp trên mà không ngăn chặn được”, ông Giang cho biết./.