Làm giàu khác người: “Cổ phần” với nông dân trồng thanh long(Dân Việt) Đang có cuộc sống ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, năm 2015, ông Bùi Đình Anh tìm đến xã Xuân Phú (Xuân Lộc, Đồng Nai) mua đất trồng thanh long ruột đỏ. Với hình thức liên kết, giao khoán cho nhiều nông dân chăm sóc, gia đình ông không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Gọi trang trại thanh long ruột đỏ rộng 50ha của ông Anh như một công ty cổ phần thanh long cũng đúng vì những nhân công làm việc ở đây được ông coi như đối tác, nghĩa là mỗi người được nhận, giao khoán diện tích thanh long nhất định, bỏ công chăm sóc, đến vụ thu hoạch và ăn chia theo tỷ lệ.
Tham quan trang trại thanh long ruột đỏ trải dài tít tắp của gia đình ông Anh chắc ít ai ngờ, ở vùng đất chỉ trồng 1 vụ lúa, năng suất bấp bênh mà cây thanh long ruột đỏ lại phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Bùi Đình Anh chia sẻ về mô hình trồng thanh long kiểu mới.
Trước khi làm nông nghiệp, ông Anh là chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu thuốc lá cho các nhà máy, ông đã đi đến nhiều địa phương phát triển vùng nguyên liệu. Trong một lần đang băn khoăn không biết nên trồng cây gì trên diện tích đất vừa mua được ông được một người bạn gợi ý nên trồng thanh long thay vì cam.
“Tôi băn khoăn, sao có thông tin thanh long phải đổ cho bò ăn, bạn tôi bảo: Đó là loại cây cho thu hoạch tới 15-16 lần/năm. Thế là tôi bắt tay vào làm ngay” – ông Anh nói.
Đó là vào một ngày đầu năm 2015, ông đặt chân xuống Xuân Phú với một tham vọng sẽ lập một trang trại trồng trọt ở đất này. “Khi mới đến đây, chứng kiến những cánh đồng lúa cháy khô vào mùa nắng, năng suất bấp bênh, cuộc sống của người dân rất vất vả, tôi quyết định phải làm gì đó. Sau khi nghiên cứu, tôi được biết chỉ cần khoan giếng khoảng 40m là đủ nước cho tưới tiêu, trong khi cây thanh long dễ trồng, đất nào cũng phù hợp nên tôi quyết định đầu tư vào đây” – ông Anh chia sẻ.
Để có được diện tích đất đủ lớn trồng thanh long, ông phải mua của hơn 200 hộ dân với giá cao hơn thị trường. Đến hết năm 2018, trang trại có 29.300 trụ thanh long, tổng thu gần 1.300 tấn.
Một điều đặc biệt nữa trong trang trại thanh long ruột đỏ của ông Anh là cách ông liên kết với nông dân cũng thật khác người. Hiện, trang trại của ông đang có 100 công nhân, đa phần là người địa phương, khi làm việc tại trang trại, họ được học kỹ thuật chăm bón, tự chủ trong công việc với hình thức mỗi hộ dân hoặc người lao động được tự nhận diện tích, số trụ để chăm sóc, tùy theo sức khỏe, đến vụ được chia lợi nhuận theo tỷ lệ nhất định.
Nông dân phải chuyên nghiệp hơn
Ông Đình Anh chia sẻ: “Ở trang trại của tôi, bà con không phải là những người làm thuê mà tôi coi như đối tác, cùng làm việc và chia sẻ lợi nhuận. Tại đây, bà con được học kỹ năng lao động, tự chủ trong công việc, không cần phải đảm bảo làm đủ 8 giờ, chỉ cần hết việc là được”.
Cán bộ kỹ thuật của trang trại hướng dẫn nhân công chăm sóc thanh long. Ảnh: Trang Thảo
Để nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, ông Anh còn thuê riêng 1 kỹ sư nông nghiệp chuyên hướng dẫn bà con, công nhân làm thế nào để cây thanh long cho năng suất, chất lượng cao.
“Chính vì bà con áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc và bón phân nên năng suất và giá thành thanh long của trang trại bán ra thị trường bao giờ cũng cao hơn các nơi khác. Thành công của trang trại hôm nay không phải của một mình tôi mà là của tất cả bà con ở đây” – ông Anh khẳng định.
Khi được hỏi vì sao ông lại chọn hình thức liên kết này mà không phải là thuê rồi trả lương hàng ngày, ông Anh chia sẻ: “Khi tôi giao khoán cho bà con được làm chủ các khu vườn, họ sẽ lao động hết mình còn vì quyền lợi và thu nhập của chính họ, làm đúng kỹ thuật thì năng suất, chất lượng thanh long sẽ cao, bán được giá hơn, từ đó sẽ khuyến khích người lao động chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật để đảm bảo thanh long cho năng suất, chất lượng cao nhất để đạt lợi nhuận tối ưu.
Không chỉ được nhận diện tích chăm sóc tùy theo khả năng, năng lực, sức lao động của mình mà nông dân tham gia mô hình liên kết cũng có thể tính toán mức thu nhập hàng tháng của mình thông qua tỷ lệ ăn chia rất rõ ràng.
Theo đó, chủ trang trại sẽ cung cấp cho bà con phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến khi thu hoạch sẽ được ăn chia theo tỷ lệ trung bình 25-75% doanh thu tùy theo năm. Những năm cây còn yếu, người lao động phải bỏ công sức nhiều họ được hưởng 30%, khi cây đã lớn, phát triển tốt thì nhận 25%.
Theo định kỳ, 6 tháng một lần trang trại chia lãi cho bà con một lần, cuối năm sẽ tổng kết, công khai các khoản thu chi và chia theo tỷ lệ. Với cách làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho người lao động tự giám sát các hoạt động cũng như chi phí của mô hình, hạn chế việc sử dụng thuốc, phân bón lãng phí.
Chủ trang trại sẽ cung cấp cho bà con phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến khi thu hoạch sẽ được ăn chia theo tỷ lệ trung bình 25-75% doanh thu tùy theo năm. Những năm cây còn yếu, người lao động phải bỏ công sức nhiều họ được hưởng 30%, khi cây đã lớn, phát triển tốt thì nhận 25%. |
Ông Phan Văn Cửu – một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: “Gia đình tôi vào làm trong trang trại này được 4 năm rồi. Lúc đầu vợ chồng tôi buôn bán nhỏ, thu nhập bấp bênh, kinh tế gia đình rất khó khăn. Tham gia mô hình liên kết của trang trại, gia đình tôi nhận hơn 1.400 trụ thanh long để chăm sóc, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng vợ chồng tôi có thu nhập từ 30 triệu đồng”.
Được biết, vườn thanh long ông Cửu nhận chăm sóc luôn cho năng suất cao nhất trang trại nên thu nhập của gia đình cũng được cải thiện.
Hiện, trang trại của ông Anh có 50 hộ dân tham gia liên kết theo hình thức giao khoán chăm sóc thanh long. Các hộ đều được tập huấn kỹ thuật chăm sóc thanh long để đảm bảo an toàn, chất lượng.
“Giá thanh long của tôi luôn cao hơn thị trường vì bà con ở đây được học đến nơi, đến chốn, tuyển lựa trái hết sức kỹ càng và cẩn thận” – ông Anh nói.
Ông Anh tiết lộ, 95% sản lượng thanh long từ trang trại của ông được xuất sang thị trường Trung Quốc. “Tôi đã từng xuất khẩu thanh long đi Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản nhưng hiệu quả kinh tế không cao bằng xuất đi Trung Quốc. Hiện thị trường Trung Quốc cũng có những quy định khắt khe hơn, vì vậy, người nông dân cũng phải đổi mới cách làm theo hướng chuyên nghiệp. Và chỉ có liên kết lại với nhau, nông dân mới có đủ sức mạnh để tạo ta sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có chất lượng” – ông Anh khẳng định.