Nhiều công nghệ chế biến nông sản trình làng tại Vietnam PFA 2019
(Dân Việt) Gần 100 doanh nghiệp với 150 gian hàng trưng bày tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản thực phẩm – (Vietnam PFA) 2019 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào sáng ngày 24/7.Triển lãm diễn ra trong thời gian 4 ngày (từ 24 – 27/7/2019) do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Công ty Quảng cáo và Hội chợ triển lãm CIS Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, bốn mùa đều có nông sản thu hoạch. Do đó kỹ thuật bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch là hết sức cần thiết. Nhìn chung, công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình của thế giới, dù vẫn có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phát biểu tại Triển lãm.
Với ngành rau quả, sản lượng sản xuất cả nước đạt trên 25 triệu tấn/năm, nhưng hiện chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung, tổng công suất thiết kế chỉ 1 triệu tấn/năm.
Còn với thủy sản, năm 2018, Việt Nam sản xuất khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2017; có 590 cơ sở chế biến thủy sản khai thác đã xuất khẩu đi 100 nước và vùng lãnh thổ.
Về lúa gạo, cả nước hiện có gần 600 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp với công suất 10 triệu tấn/năm, tổng công suất kho chứa bảo quản lúa gạo đạt 7 triệu tấn.
Thị trường chế biến nông sản, thực phẩm tại Việt Nam lâu nay được ví như “mỏ vàng” với nhiều dư địa phát triển để khối nội lẫn khối ngoại lao vào rót vốn đầu tư và cạnh tranh.
Các đại biểu cắt băng khai trương Triển lãm.
Thêm vào đó, với việc hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực, cũng như sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ.
“Đây là bối cảnh rất thuận lợi để tổ chức Triển lãm quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản và thực phẩm lần đầu tiên tại Việt Nam” – ông Toản nói.
Tuy triển lãm lần đầu được tổ chức, nhưng các doanh nghiệp chuyên ngành đánh giá cao mục đích, ý nghĩa và giá trị thiết thực của các chương trình trong khuôn khổ Vietnam PFA 2019.
Tính đến thời điểm hiện nay, triển lãm đã thu hút được sự tham dự của khoảng gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với khoảng 150 gian hàng trải rộng trên không gian 4.000m2 trưng bày tại nhà A1, Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP.HCM).
Các doanh nghiệp tham gia triển lãm kỳ vọng tìm kiếm đối tác, bạn hàng và mở rộng kinh doanh…
Trong đó, có nhiều thương hiệu hàng đầu trong nước như Vinamilk, TH Milk, Masan, VEAM, Tín Dân, Song Hiệp Lợi, Arico, VMS, Đại Chính Quang… Vietnam PFA dự kiến sẽ thu hút hơn 20.000 lượt khách tham quan, mở đầu cho một sự kiện chuyên ngành uy tín và chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực chế biến đóng gói và bảo quản nông sản và thực phẩm tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của ngành nông nghiệp và mang lại giá trị thiết thực cho nền kinh tế.
Ông Đỗ Thanh Tuấn – Giám đốc đối ngoại Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk cho biết: “Tham gia triển lãm lần này, Vinamilk giới thiệu tới khách tham quan mô hình trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh – resort bò sữa lớn nhất châu Á. Trang trại được Vinamilk thực hiện cách mạng số 4.0 toàn diện từ quy trình đầu vào đến đầu ra theo công nghệ Mỹ, Nhật, châu Âu trong toàn bộ mô hình chăn nuôi và quản lý của mình, nhằm đảm bảo đàn bò có sức khỏe tốt, năng suất sữa cao, chất lượng sữa tốt nhất”.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham quan gian trưng bày của Vinamilk.
Đại diện Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) chia sẻ: Công ty mang đến triển lãm những máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ ngành vận tải cũng như sản xuất, chế biến các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó tìm kiếm bạn hàng mở rộng thị trường…
Ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: “2019 sẽ là năm chuyển động mạnh mẽ của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản để Việt Nam tiến gần đến top 10 thế giới. Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến sẽ là mấu chốt căn bản để thúc đẩy sự phát triển…”.
Máy làm lạnh đa năng Made in Việt Nam của một doanh nghiệp tại triển lãm.
Theo ông Toản, triển lãm lần này là tiền đề, tạo môi trường thuận lợi giúp các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế tiếp cận, mở rộng khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh máy móc, thiết bị, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm…
Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia triển lãm sẽ có cơ hội đi khảo sát thực tế một số vùng nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến tiêu biểu tại TP.HCM và các vùng lân cận để có thể cảm nhận về tiềm năng ngành công nghiệp chế biến nông sản nước nhà.