Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
- 06:17 ,06/06/2019
Trồng rau ứng dụng công nghệ cao.
Theo các nhà khoa học, nhiều tỉnh, thành đã hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới đang làm hạn chế lớn đến hiệu quả, sức cạnh tranh của sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Hình thức tổ chức sản xuất nhỏ, thiếu liên kết các khâu, các ngành theo chuỗi giá trị làm hạn chế quá trình phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế hợp tác liên kết (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng) trong sản xuất nông nghiệp từ đó thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở nông thôn trong vùng. Với tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn, thách thức đặt ra cho lĩnh vực nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện nay, vai trò và tác động của khoa học và công nghệ (KH&CN) có ý nghĩa quan trọng đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Theo thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, việc ứng dụng KH&CN góp phần làm cho ngành nông nghiệp tăng trưởng từ 30 đến 40% (tính theo từng lĩnh vực). Con số này có thể cao hơn nếu doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và đẩy mạnh hơn việc áp dụng KH&CN vào sản xuất. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tản mát. Vì vậy cần phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh trong vùng, tập trung các nhóm cây trồng, chăn nuôi có giá trị lớn, xuất khẩu để tập trung nguồn lực; thúc đẩy các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, chú trọng liên kết đến vùng nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là chủ lực.
TS. Phạm Anh Tuấn, Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho rằng, nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp CNC, các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, viện nghiên cứu đã được tiếp sức ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay còn “dè dặt” khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do gặp một số khó khăn về đầu tư ban đầu, vốn đối lưu, vùng nguyên liệu… Theo TS. Phạm Anh Tuấn, để phát huy tốt hơn nữa mối liên kết giữa nhà nông dân – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp không thể thiếu vai trò quan trọng của Nhà nước, nhằm có những chính sách đổi mới, phát huy điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hướng trọng tâm hoạt động KH&CN phải gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là về các công nghệ trong sản xuất; nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển sản xuất và chế biến dược liệu.
Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào mọi khâu sản xuất, từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến quản lý. Thực tế hiện nay chỉ 1% tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 60% là doanh nghiệp nhỏ, con số này là quá nhỏ bé và sản xuất nông nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp. “Chúng ta không chỉ thực hiện liên kết bốn nhà mà phải đẩy mạnh liên kết năm nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng phải kết nối chặt chẽ với nhau”.
Để phát triển nông nghiệp CNC, thời gian tới, Bộ KH&CN cần tập trung đẩy mạnh việc đưa KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; đẩy nhanh phát triển công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN và tỷ trọng giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, ứng dụng KH&CN vào nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển thương hiệu. Phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo.