Nông dân ‘thấm đòn’ vì giá điện tăng!
05/06/2019, 06:45 (GMT+7)Trong khi người trồng rau, hoa ở TP Đà Lạt còn chưa hết đau đầu vì tình hình dịch bệnh hoành hành, thì việc giá điện tăng, đẩy chi phí sản xuất lên cao khiến bà con càng “thấm đòn”…
hái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành của thành phố Đà Lạt là các làng hoa truyền thống. Đây là nơi các nhà vườn sử dụng nhà kính để sản suất nông nghiệp công nghệ cao.
Nông dân TP Đà Lạt méo mặt khi giá điện tăng. |
Hầu hết các nhà kính trồng hoa cúc đều phải thắp điện suốt đêm, vì vậy tiền điện tại các vườn này khá lớn, trung bình mỗi nhà kính thắp sáng tiêu thụ từ một đến vài chục triệu đồng/tháng tùy diện tích và mật độ bóng, thời gian thắp sáng.
Anh Nguyễn Đình Sơn Thương ở làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt, có 5.000 m2 trồng hoa cúc, trước đây mỗi tháng gia đình anh tiêu thụ 2,5 triệu đồng nhưng đến tháng 4/2019 tăng lên 3 triệu đồng.
Anh Thương chia sẻ: “Mấy năm gần đây, người trồng hoa ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn bởi virus gây hại trên hoa cúc đang hoành hành, khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng. Rất nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ, nợ nần; phải bán vườn hay cho thuê vườn nhưng cũng chẳng ai hỏi vì mua cũng không sản xuất được. Bây giờ cộng thêm việc giá điện tăng cao khiến nông dân thêm méo mặt”.
Cũng trong tình cảnh đó, chị Nguyễn Thị Hồng làm nghề trồng hoa cúc, phường 12, Đà Lạt cũng gặp không ít khó khăn khi giá điện sản xuất tăng.
Chị Hồng cho biết: “Ban ngày vườn đều sử dụng máy bơm tưới nước, máy phun thuốc, tối đến thì thắp chong đèn cho hoa, mỗi tháng gia đình tiêu thụ khoảng 1,7 triệu đồng tiền điện, trước đây chỉ khoảng 1,3 triệu đồng”.
Không chỉ các hộ nông dân trồng hoa, các trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng cũng gặp khó khi giá điện tăng.
Các trang trại trồng rau thủy canh cũng “méo mặt” vì giá điện tăng. |
Anh Tô Quang Dũng chủ trang trại sản xuất rau thủy canh tại xã Đạ Sar cho hay: Mỗi ngày hệ thống tưới tự động của anh hoạt động gần như liên tục, chưa kể phải thắp điện suốt đêm, do đó tác động của tăng giá điện càng rõ nét. Áp lực này đòi hỏi thiết bị công nghệ sử dụng trong nông nghiệp ở Lâm Đồng phải tiếp tục được đổi mới.
Theo ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch HND phường 12, thành phố Đà Lạt, các hộ dân ở đây trung bình 1 năm trồng 4 vụ hoa. Để cây phát triển tốt, 1ha nhà vườn thắp từ 1.000 đến 1.200 bóng điện. Với việc tăng giá điện như hiện nay, mỗi năm các nhà vườn tại phường 12 chi trả tiền mua điện cho sản xuất hơn 45 tỷ đồng.
Tương tự tại huyện Lạc Dương các nhà vườn cũng bắt đầu phải giải bài toán về chi phí tiền điện. Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, huyện Lạc Dương có hơn 700 ha sản xuất rau, hoa công nghệ cao. Sau khi điện lực tăng giá chi phí mỗi tháng tiền điện tại các nhà vườn đã tăng 15 – 20 %.
Mỗi năm, người trồng phải chi trả hàng trăm tỷ đồng tiền điện để chong đèn hoa cúc.. |
Theo thống kê của ngành chức năng Lâm Đồng, chỉ riêng diện tích trồng hoa cúc ở TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận năm 2018 là khoảng trên 2.200 ha và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Đà Lạt với tổng diện tích khoảng 2.150 ha và tổng số hộ dân đang trồng hoa cúc khoảng 1.500 hộ. Phần còn lại tập trung tại huyện Lạc Dương. Tổng sản lượng điện ước sử dụng để trồng hoa cúc tại hai địa phương kể trên khoảng 60 triệu kWh/năm, tương đương số tiền 8,5 tỷ đồng/tháng, khoảng 102 tỉ đồng/năm.
Nhằm hỗ trợ người nôn dân tiết kiệm điện trong việc chong đèn hoa cúc, Cty Điện lực Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có chương trình tuyên truyền, khuyến khích người dân nên sử dụng các loại bóng đèn LED vì tuổi thọ cao và giảm được chi phí sản xuất và điện.
Ông Nguyễn Thế Nhuận – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Rau & Hoa Đà Lạt (thuộc Viện KHNN miền Nam) cho biết: Đến nay hầu hết các vườn trồng hoa cúc ở Lâm Đồng đều áp dụng biện pháp này và chủ yếu sử dụng bóng Compact 20W-25W. Mật độ treo bóng từ 1.000-1.200 bóng/ha, thời gian chiếu sáng bổ sung hàng đêm cho sản xuất giống từ 8-10h/đêm và cho sản xuất hoa thương phẩm từ 7-8h/đêm.
Chưa hết đau đầu vì tình hình dịch bệnh hoành hành, nông dân trồng hoa cúc lại phải đối mặt với giá điện tăng. |
Tuy nhiên khi sử dụng đèn LED trong canh tác hoa cúc chỉ tiêu thụ lượng điện bằng khoảng 1/3 so với sử dụng đèn Compact. Ước tính theo sản lượng điện tiêu thụ hiện nay trên địa bàn, nông dân Lâm Đồng thay thế toàn bộ bóng đèn Compact bằng bóng đèn LED, sản lượng điện tiết kiệm hằng năm khoảng 40 triệu kwh/năm (2/3 sản lượng 60 triệu kwh/năm).
Hiện tỉnh Lâm Đồng có hơn 4.500 ha sản xuất rau, hoa trong nhà kính, sử dụng hàng triệu bóng đèn thắp sáng, tiêu thụ rất nhiều điện năng. Kể từ đợt tăng giá điện mới nhất, nhà nông bắt đầu cảm nhận được gánh nặng từ chi phí tiền điện. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực để nhà nông Lâm Đồng thải loại những thiết bị điện lạc hậu, xây dựng một vùng nông nghiệp công nghệ cao thật sự.