Hướng tới nền nông nghiệp bền vững
PHÓNG VIÊN: NQ120 được ban hành vào tháng 11-2017, sau thời gian triển khai thực hiện ở Đồng Tháp đã mang lại những kết quả thế nào, thưa ông?
Ông LÊ MINH HOAN: Qua triển khai thực hiện NQ120 cùng Quyết định 461/QĐ-TTg ngày 27-4-2018 của Thủ tướng, với những chính sách thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ đối với hợp tác xã (HTX) trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước, đặc biệt trong bối cảnh ĐBSCL đã và đang chịu ảnh hưởng do BĐKH, Đồng Tháp cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của kinh tế hợp tác, vừa chuyển đổi, củng cố các HTX kém hiệu quả, thành lập các HTX kiểu mới theo Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng. Bước đầu đã mang lại hiệu ứng tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 153 HTX nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX 2012. Đa phần các HTX kinh doanh đa dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho xã viên. Trong đó, nổi bật là mô hình HTX cho nông dân tạm trữ lúa sau khi thu hoạch tại thời điểm giá lúa thấp, gồm HTX Tân Bình và HTX Tân Cường. Mô hình canh tác lúa thông minh do HTX Mỹ Đông 2 phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers (Trà Vinh) thực hiện; mô hình ứng dụng công nghệ nhà màng và tưới nhỏ giọt để sản xuất giống ớt sạch của HTX Tân Bình; mô hình ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử đối với Cây xoài nhà tôi của HTX Mỹ Xương; mô hình Ruộng nhà mình của HTX Thuận Tiến kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất và kinh doanh sản phẩm gạo…
Ông LÊ MINH HOAN: Để thích ứng với BĐKH, không chỉ cần có các giải pháp công trình (như đê, kè, đập…), mà còn cần đến giải pháp phi công trình do chính cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện với sự điều chỉnh của quy hoạch chung. Thích ứng BĐKH cần hướng tới đa dạng hóa phát triển nông nghiệp, thay đổi lịch thời vụ; xây dựng các chương trình thích ứng trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các ngành, các cấp. Như vậy, HTX hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên và giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện BĐKH.
PHÓNG VIÊN:Theo ông, đâu là thế mạnh của HTX nông nghiệp kiểu mới mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới?
Ông LÊ MINH HOAN: Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, nông sản Việt Nam kém sức cạnh tranh vì “chi phí cao và chất lượng kém”. Để vượt qua “lời nguyền” đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể “mạnh ai nấy làm”, mà phải hợp tác với nhau.
Cần thấy rằng, HTX có lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung. Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản. HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế nhiều công đoạn của chuỗi ngành hàng. HTX không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên và người dân nông thôn.
HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng, là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BĐKH. Do đó, một lần nữa, tôi đề nghị cần tách HTX nông nghiệp thành một nghị định riêng, tiến dần đến ban hành luật về HTX nông nghiệp. Nhìn với góc độ khác, HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản…