Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại làn gió mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt ở ĐBSCL, hầu hết các tỉnh đều xây dựng mô hình cánh đồng lớn (CĐL) để đột phá.
Để làm được vấn đề đó, khâu chọn lựa giống là yếu tố quan trọng. Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 3 trong vùng về sản lượng lúa hàng hóa sau Kiên Giang và An Giang. Tỉnh đã có kế hoạch mở rộng diện tích thực hiện CĐL lên tới 120.000 ha.
Đến nay đã có 10/12 huyện thị tổ chức mô hình CĐL trừ TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc với diện tích vụ Đông-Xuân và Hè -Thu năm 2015 đạt gần 60.000 ha.
Hiện tại, khi vận động nông dân tham gia mô hình CĐL, ngành nông nghiệp phải giải quyết 3 vấn đề lớn là năng suất, chất lượng lúa hàng hóa và tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
Hướng đi đúng của mô hình là qua quá trình sản xuất, các CĐL đã chọn lọc được một số chủng loại giống lúa chất lượng cao có thể xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao trong tương lai gần.
Bởi CĐL không thể SX hàng chục loại giống lúa khác nhau theo sở thích của từng hộ nông dân mà phải SX theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới.
Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp (Doseco) là một trong những DN hàng đầu về SX giống lúa chất lượng cao và cung cấp giống cho nhiều CĐL trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Cty cho biết, để đảm bảo lượng giống chất lượng đầu vào cho CĐL SX 3 vụ trong năm, Cty hợp đồng cung cấp chủ yếu các loại lúa giống xác nhận như Jasmine 85, OM 4900, OM 6976… cho các HTX SX CĐL ở hai huyện Thanh Bình và Tam Nông trên 4.000 ha. HTX đứng ra làm đầu mối cung cấp giống xuống xã viên hoặc nông dân.
Để tạo điều kiện cho mối liên kết 4 nhà, Doseco giữ vai trò DN hỗ trợ lúa giống cho bà con, khi đến cuối vụ mới thanh toán, nhưng không tính lãi. Bình quân mỗi năm Doseco cung ứng 1.500 tấn giống chất lượng cao cho nông dân SX CĐL trong tỉnh.
Hiện tại Doseco có vùng nguyên liệu hàng trăm ha chuyên SX giống ở các tỉnh ĐBSCL. Lượng giống mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 3.000 tấn giống với hơn 20 chủng loại.
Để đảm bảo giống đạt chất lượng, Doseco có đội ngũ nhân viên kỹ thuật có tay nghề cao theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa về quy trình SX giống lúc còn trên đồng từ khâu làm đất đến khử lẫn.
Mới đây 10 nông dân ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười có 155 ha đất trồng lúa (trong đó người ít nhất 10 ha) đã mạnh dạn đứng ra thành lập tổ hợp tác.
Đây là mô hình nông dân liên kết làm ăn nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa. Để đảm bảo đầu vào ở khâu giống chất lượng, Doseco cũng đứng ra ký hợp đồng cung ứng giống cho tổ hợp tác ở xã Mỹ Hòa.
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có nhu cầu sử dụng 60.000 tấn giống lúa ở 3 vụ trong năm. Giống được phân phối qua CLB, cơ sở sản xuất kinh doanh giống và DN.
Hiện tại, đã có trên 60% diện tích đất SX lúa 3 vụ sử dụng giống xác nhận. Các CĐL đang tập trung SX giống Jasmine 85, VD20, OM 4900, OM 6976, OM 5451, IR 50404…. theo nhu cầu của Cty Lương thực Đồng Tháp, Cty Lộc Anh, Cty Cẩm Nguyên, Tập đoàn Lộc Trời… Theo nhận định của các chuyên gia về lúa gạo thì thị trường thế giới vẫn tiêu thụ chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao như các giống Jasmine 85, VD20, OM 4900; gạo cấp thấp hơn, chất lượng trung bình (15 – 25% tấm) như giống IR 50404, OM 6976…
Tiềm năng SX và cung ứng giống lúa ở ĐBSCL thời gian tới rất phong phú và đa dạng, thị trường lúa gạo trong và ngoài nước sẽ chọn lọc dần những chủng loại giống chất lượng cao thông qua các cánh đồng liên kết để hình thành thương hiệu gạo Việt Nam cạnh tranh có hiệu quả với Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ…