Rau an toàn bị mất niềm tin – Người dân không muốn trồng rau sạch

Trong khi nhiều người dân có nhu cầu sử dụng rau an toàn nhưng việc tiêu thụ sản phẩm này lại rất khó khăn và không lãi như trồng các loại rau thông thường. Vì vậy, ở nhiều vùng sản xuất, nông dân không muốn trồng rau an toàn.

rau sạch trong siêu thị

Rau an toàn bán trong siêu thị có giá không cao hơn rau ‘chợ đen’ trong khi chi phí cao hơn nên người dân không muốn trồng – Ảnh Phan Hậu

Khó tiêu thụ

Đầu năm 2003, Sở NN-PTNT Hà Nội thông qua Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm Hà Nội, đã hỗ trợ kinh phí tổ chức mạng lưới hệ thống tiêu thụ rau an toàn đến từng khu dân cư, chợ dân sinh trong các quận nội thành. Khi đó, mô hình này được đầu tư khá tốn kém, bởi nó được kỳ vọng mở ra hướng đi mới trong khâu tiêu thụ rau an toàn, nhưng đến nay nhiều địa chỉ đã ngừng hoạt động từ lâu.

Trong số cá nhân từng tham gia hỗ trợ tiêu thụ RAT, bà Đặng Hồng Thêm (nhà số 197 phố Đặng Tiến Đông, P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết phường từng có 3 điểm phân phối theo chương trình vận động của Hội Phụ nữ Q.Đống Đa kêu gọi người dân trên địa bàn sử dụng rau an toàn, nhưng bây giờ “đã nghỉ hết rồi” vì rau an toàn không phong phú về chủng loại, trong khi người tiêu dùng có nhu cầu đa dạng. Có những ngày, rau đưa đến chậm, chất lượng không đảm bảo khiến nhiều gia đình không chủ động được bữa ăn. Cứ thế khối lượng đặt rau hằng ngày cứ thưa dần, nên bà Thêm cũng xin dừng hoạt động.

Có nhiều năm kinh doanh rau ở tại chợ Thành Công, chị Chu Thị C., từng nhập bán rau an toàn cho các vùng sản xuất tại H.Đông Anh nhưng chỉ sau vài tháng, chị C. cũng chủ động ngừng hợp đồng bán hàng. Chị C. cho biết khách hàng thường xuyên phàn nàn rau không đủ chủng loại yêu cầu. Người kinh doanh có lợi nhuận không bằng loại rau chọn từ chợ đầu mối, nên giờ không ai nhập hàng nữa.

Do chi phí lớn

Cũng theo tính toán của nhiều hợp tác xã, nếu đầu tư trồng rau an toàn, sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học, thảo mộc… luôn cao hơn từ 10 – 15% chi phí so với trồng rau bình thường nhưng giá bán ngoài thị trường “cào bằng”, không cao hơn “rau chợ đen” là nguy cơ khiến nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất hoặc dễ quay lưng, không tuân thủ quy trình trồng rau an toàn.

Theo bà Nguyễn Thị Năm, người tham gia trồng rau an toàn tại P.Giang Biên, Q.Long Biên (Hà Nội), trong số gần100 hộ trồng rau an toàn tại địa phương, hiện chỉ có vài hộ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 2 hộ gây dựng kệ bán rau ở tại khu K5 Khu đô thị Việt Hưng. Số còn lại tự tìm cách bán rau ở các chợ cóc hoặc cung cấp vào bếp ăn công trường xây dựng.

“Có tiếng là rau an toàn nhưng tiêu thụ bấp bênh, phí nước sạch thì phải nộp hằng tháng nên không ai sử dụng dịch vụ cung cấp nước nữa. Còn hộ nào trồng rau thì chủ động khoan giếng tại ruộng hoặc chuyển đổi sang trồng nhãn, đu đủ… những loại cây ăn quả ít tốn nước tưới”, bà Năm nói.

Tại P.Cự Khối, Q.Long Biên từng là vùng chuyên canh trồng rau an toàn nhưng giờ đa số người dân cũng không còn trồng nữa. Ông Nguyễn Văn T. một người tham gia trồng rau kể: “Khi cả làng cùng làm rau thì thua lỗ hết lượt. Nhà nào có người đi bán trực tiếp tại các chợ còn giữ được vốn, nếu bán tại ruộng cho thương lái, giá mỗi mớ rau chỉ có vài ba trăm đồng thì lỗ nặng. Bán không biết bao nhiêu rau mới gom đủ tiền trả phí 60.000 đồng/sào tiền nước tưới hằng tháng. Thế nên số lượng trồng rau an toàn cứ thế vơi dần”.

Gắn bó với mô hình trồng rau an toàn từ những ngày đầu thành lập và hiện đang có 400 hộ xã viên tham gia sản xuất với tổng diện tích 25 ha, bà Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm hợp tác xã rau an toàn Đạo Đức luôn trăn trở tìm cách phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng thực tế không dễ dàng khi hệ thống bán hàng ngày càng thu hẹp.

Theo bà Liên, đội ngũ phát triển thị trường hiện có 12 xã viên. Ở thời điểm phát triển mạnh nhất, hợp tác xã có hàng chục điểm phân phối, bán lẻ ở các chợ nội thành Hà Nội. Cũng chỉ được vài năm, lãi suất từ bán rau không theo kịp giá thuê địa điểm nên phần lớn phải chuyển nhượng lại. Trong khi đó, rau an toàn vào các siêu thị lớn, chi phí đội lên cao, nên lãi không được bao nhiêu, chủ yếu là giữ làm thương hiệu.

“Nông dân làm rau an toàn mong có lợi nhuận cao hơn, có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Nhưng cứ tình trạng rau an toàn giá bán như “rau chợ đen” hiện tại thì rất khó phát triển, thậm chí là không thể tạo ra động lực để người sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuyệt đối tuân theo quy trình sản xuất rau an toàn”, bà Liên nói.

Theo Báo Thanh Niên

0935 157 244