Nhiều rào cản để đưa nông sản Việt sang châu Âu


Nhiều rào cản để đưa nông sản Việt sang châu Âu

VTV.vn – Người tiêu dùng châu Âu có ý thức rất cao trong việc đòi hỏi những tiêu chuẩn chất lượng chuẩn mực. Vì vậy, để đưa nông sản Việt sang thị trường này không mấy dễ dàng.

  • Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU giúp hàng hóa Việt được xuất phát đồng hành với hàng hóa nhiều nước khác cũng chạy đua vào thị trường châu Âu, chứ không phải giúp hàng Việt vượt lên trước các đối thủ đầy kinh nghiệm như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Hiệp định cũng không phải là chiếc đũa thần để hàng Việt có mặt trên kệ siêu thị EU nếu sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn khó tính của thị trường này.

Mật ong Việt Nam đã từng bị cấm nhập khẩu vào EU 5 năm liền do có dư lượng chất kháng sinh, hay nhiều lô hàng nông sản cũng bị trả lại do ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế này tuy không phổ biến nhưng là những sự việc cụ thể buộc EU phải kết hợp với cơ quan trong nước tăng cường giám sát các hoạt động sản xuất, sản phẩm đến của Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển nông sản Việt Nam cho hay: “EU yêu cầu cơ quan thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra, giám sát cấp mã số tất cả cơ sở có nhu cầu xuất khẩu vào EU. Như vậy, điều này gián tiếp gây trở ngại cho các doanh nghiệp khi thực thi nội dung trong FTA”.

Thực tế trên xuất phát từ quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, khó áp dụng khoa học công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến phát triển chậm, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại.

“Nếu Việt Nam muốn đưa hoa quả vào thị trường châu Âu phải tôn trọng họ, tuân thủ các quy định. Một khi chứng minh được rằng tôi đã quan tâm đến an toàn của bạn, chúng ta hoàn toàn có thể bán hàng vào EU”, ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp Việt Nam còn khá hạn chế. Theo thống kê của VCCI có thời gian 77% doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói đến Hiệp định thương mại Việt Nam – EU. Vì vậy, việc hiểu sâu, vận dụng hiệp định còn cả một quá trình sau đó.

“Vấn đề trở ngại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là không tìm tòi nghiên cứu cụ thể, vẫn có tâm lý mong chờ hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo với các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào châu Âu phải tự tìm hiểu kỹ”, ông Lê Thanh Hòa nói.

0935 157 244