Phát triển HTX nông nghiệp: Khắc phục được tình trạng ‘bình mới rượu cũ’
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh khi trả lời báo chí bên lề hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp (NQ 13) do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 20/7/2019, tại Hà Nội.
*PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về kết quả 15 năm thực hiện NQ 13 của Ban chấp hành Trung ương?
– Ông Nguyễn Xuân Cường: Việc triển khai về kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trong khu vực nông nghiệp đến nay đã thực sự tạo được những kết quả nền tảng.
Thứ nhất, chúng tôi đã hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách từ luật, các nghị định, thông tư và các chính sách.
Thứ hai, điều quan trọng là nhận thức về HTX trong cán bộ, nhân dân đã có chuyển biến lớn. Phần lớn cán bộ, nhân dân đã nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đến nay, có 14.501 HTX nông nghiệp, chiếm 65% trong tổng số 23.000 HTX của toàn quốc. Nhiều mô hình HTX kiểu mới đã mang lại hiệu quả cao, thể hiện được vai trò kết nối doanh nghiệp (DN) trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.
Thứ ba, tốc độ hình thành các HTX kiểu mới những năm gần đây rất nhanh, cao gấp 3-4 lần so với những năm trước. Mỗi năm có khoảng 2.000 HTX ra đời.
|
Đáng chú ý, ngay ở những vùng, miền, địa phương trước đây được xem là có nhiều khó khăn trong sản xuất thì nay cũng có những mô hình HTX khởi sắc, phát triển rất tốt. Điều này thể hiện NQ 13 đã đánh giá đúng tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển các HTX nông nghiệp.
Với những kết quả bước đầu sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
*PV: Thưa Bộ trưởng, quá trình phát triển HTX, người ta vẫn dùng hình ảnh “bình mới rượu cũ”, vậy trong 15 năm qua, điều này đã được thay đổi như thế nào?
– Ông Nguyễn Xuân Cường: Trong 14.501 HTX hiện nay có 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm khoảng 7.000 HTX trước đây chuyển đổi theo yêu cầu sang HTX kiểu mới.
Nhóm thứ hai quan trọng hơn, bao gồm 7.000 HTX mới thành lập đúng theo yêu cầu HTX mới từ số thành viên, điều lệ, phương thức hoạt động, đặc biệt là phương thức quản trị. Hơn nữa, có rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ làm HTX và tư duy theo nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh phù hợp với nền kinh tế hàng hóa hội nhập. Nhiều HTX đã có sản phẩm nông sản xuất khẩu trên thế giới. Điều này chứng tỏ chất lượng HTX đã được thay đổi.
*PV: Trên nền tảng những kết quả đã đạt được , Bộ NN&PTNT sẽ có định hướng phát triển HTX giai đoạn mới như thế nào, thưa Bộ trưởng?
– Ông Nguyễn Xuân Cường: Bên cạnh những kết quả đạt được, phải khẳng định quá trình phát triển HTX vẫn còn nhiều tồn tại. Trước tiên, nhận thức trong xã hội, cộng đồng và một số cấp về HTX chưa đầy đủ, vẫn ‘ám ảnh’ mô hình HTX cũ, do đó trong quá trình thực hiện chưa có hành động, chỉ đạo cương quyết dẫn đến số lượng HTX theo nhu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp là chưa nhiều. Thực tế, 14.501 HTX là con số rất ít so với yêu cầu và mục tiêu phát triển HTX hiện nay.
Cùng với đó, một số HTX vẫn còn quản trị kiểu “bình mới rượu cũ”, chưa năng động, chưa sáng tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường.
Không những vậy, vẫn còn sự chênh lệch trong việc hình thành, phát triển HTX. Kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp bước đầu đã có sự cải thiện cả về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, địa phương.
Nhiều địa phương có số lượng HTX ra đời nhanh, đa ngành trên các lĩnh vực nhưng nhiều khu vực của các địa phương có điều kiện kinh tế thuận lợi thì số lượng HTX còn ít, thậm chí không phát triển được nhiều mô hình HTX.
Vì vậy, thời gian tới chúng ta phải xác định HTX nông nghiệp là một yêu cầu tất yếu, cần thiết trong hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Chúng ta cần nhiều HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 trên các chuỗi sản xuất, bao gồm vùng sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thương mại.
Những HTX như vậy mới có thể liên kết với các DN xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn mới.
Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới khoảng 8.000 HTX, phấn đấu có khoảng 20.000 HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, có tối thiểu 50% các HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Giai đoạn 2025-2030 thành lập mới 4.000 HTX, phấn đấu có khoảng 25.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phấn đấu tối thiểu có 70% HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi.
*PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện NQ 13 sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hiện NQ13, HTX nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cả về lượng và chất, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết NQ 13 trong lĩnh vực nông nghiệp. Danh sách đánh giá kết quả kinh tế tập thể, HTX cần được phân ra theo từng thời kỳ, chỉ rõ kết quả, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như nêu rõ khung khổ pháp lý cho HTX, tổ hợp tác hoạt động là gì?Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để tổng hợp, bổ sung vào báo cáo tổng kết NQ 13 trên phạm vi toàn quốc, trong đó nghiên cứu đề xuất bổ sung nội dung phát triển kinh tế tập thể, HTX trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới; nghiên cứu bố trí nguồn vốn để đầu tư, phát triển kinh tế tập thể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng “sách trắng” về HTX. |