(HNM) – Toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.605 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, trong đó, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 62%. Số hợp tác xã này đang phát huy vai trò liên kết, hình thành các mô hình sản xuất nông sản sạch, góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương.
Được coi là một trong những hợp tác xã điển hình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đến nay, Hợp tác xã Sông Hồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) đã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel (rộng khoảng 1.500m2) chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, thời gian gần đây, hợp tác xã còn phát triển mô hình trồng hoa, nuôi tôm càng xanh an toàn sinh học…
Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng Lê Văn Tám cho biết, với việc đầu tư, xây dựng hệ thống đường điện, nhà lưới, nhà bảo quản, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất; đồng thời, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, đến nay mọi hoạt động của xã viên đã thành nếp. “Mỗi hộ được chỉ định mã số riêng trong quá trình thu mua, tiêu thụ để kiểm soát chất lượng. Hiện, tất cả sản phẩm đều được doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng đặt mua… Tính riêng thu nhập rau thương phẩm đạt 500-600 triệu đồng/năm, chưa kể trồng rau mầm. Nếu tính cả nguồn thu từ vườn hoa, khu vực nuôi tôm…, hợp tác xã thu hàng tỷ đồng mỗi năm, nhiều xã viên trở thành những nông dân giàu có” – ông Lê Văn Tám nói.
Chung niềm vui, bà Bùi Thị Lan, xã viên Hợp tác xã Sông Hồng bộc bạch: “Tham gia hợp tác xã, chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm. Nhờ mô hình sản xuất rau hữu cơ, ý thức và kiến thức về thực phẩm sạch của xã viên được nâng cao, thu nhập ổn định, gấp 3-4 lần trồng lúa, rau màu trước kia”…
Câu chuyện của ông Tám, bà Lan… không còn là hiếm trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, rất nhiều hợp tác xã nông nghiệp có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương. Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết: Những năm qua, các hợp tác xã đã tổ chức tốt khâu dịch vụ; một số hợp tác xã đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, tổ chức sản xuất; đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, ký hợp đồng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó, nhiều mô hình hợp tác xã mới, hợp tác xã điển hình tiên tiến được hình thành.
Đáng ghi nhận, các hợp tác xã đã góp phần tạo việc làm ổn định cho thành viên, người lao động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường. Tiếp tục phát huy vai trò, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố thành lập 42 hợp tác xã mới, chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp; mỗi hợp tác xã thường có từ 7 đến 30 thành viên, với vốn điều lệ trung bình từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nhiều hợp tác xã có vốn điều lệ cao như: Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (huyện Đông Anh) 5,6 tỷ đồng, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Cao Việt (huyện Sóc Sơn) 8 tỷ đồng…
Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song thực tế, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy được hết vai trò. Nguyên nhân chính là một số hợp tác xã chưa đổi mới hoạt động, chưa linh hoạt trong xây dựng phương án kinh doanh, thiếu nguồn vốn… Theo đánh giá của Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư, để hỗ trợ và giúp các hợp tác xã phát huy vai trò kinh tế tập thể, đầu mối kết nối nông dân – doanh nghiệp, những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, mở hàng trăm lớp tập huấn kiến thức về hợp tác xã nông nghiệp, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã…
Cùng với đó là đẩy mạnh việc hỗ trợ tài chính, tín dụng thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Quỹ đã hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng cho các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã thành phố còn chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính, tín dụng; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho các hợp tác xã. Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động của các hợp tác xã hiệu quả hơn…