Đang yên ổn với vị trí giám sát sản xuất cho một công ty liên doanh về cơ khí với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng cùng nhiều đãi ngộ cao, anh kỹ sư Phạm Tú Anh Vũ khiến người quen chưng hửng khi đột ngột nộp đơn nghỉ việc. Mọi người càng ngạc nhiên hơn khi thấy anh chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để… nghiên cứu, chế tạo máy móc phục vụ cho nhà nông.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM (năm 2006), kỹ sư cơ khí chế tạo máy Phạm Tú Anh Vũ được nhận vào làm tại công ty liên doanh cơ khí (Long Thành, Đồng Nai), nhưng những chiếc máy cho bà con nông dân mà anh ấp ủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn chưa thực hiện.
Mang tâm sự chia sẻ và phát hiện với anh bạn thời đại học – kỹ sư cơ khí Nguyễn Hồng Quân, cùng chung chí hướng, thế là hai kỹ sư trẻ quyết tâm “hùn tiền” nghiên cứu. Để hiểu thực tế, hai bạn trẻ về huyện Củ Chi xem nông dân trồng mì và thu hoạch mì thế nào để chế tạo máy cho phù hợp. Hai anh liền nghiên cứu máy gieo hạt.
Kể từ hôm đó, đêm đêm căn phòng nhỏ ọp ẹp của anh lại vang lên tiếng cưa, tiếng búa. “Ngày thì đi làm, tranh thủ thiết kế bản vẽ, tối về nhà là bắt tay vào chế tạo. Tuy mệt nhưng rất vui!”, Phạm Tú Anh Vũ nhớ lại. Bao nhiêu công sức và tiền lương kiếm được, Vũ dồn hết vào chiếc máy.
Song khi đưa vào thử nghiệm thì máy không hoạt động như mong muốn, hạt giống bị đánh tơi nát cả, nhưng muốn làm lại máy thì cũng không thể vì hết tiền. Thế là hai chàng kỹ sư trẻ đóng xưởng, xin đi làm lại, kiếm tiền làm lại máy khác.
Bằng nỗ lực và lòng quyết tâm, 2 năm sau đó, Vũ đã thành công với chiếc máy gieo hạt bằng khí động. Không chỉ làm cho máy gọn nhẹ hơn mà hạt giống không bị hỏng khi gieo, năng suất đạt từ 1,5 – 2,5 ha/ngày tùy loại hạt. Nghiên cứu của Vũ nhanh chóng được bà con nông dân tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắc Nông đón nhận.
Sợ “đặt hàng”
Tiếng lành đồn xa, sau khi thử nghiệm thành công, máy gieo hạt của Vũ được nhiều người biết đến, những đơn hàng không chỉ dừng lại ở TPHCM mà còn có những đơn hàng tận các tỉnh Mộc Châu, Sơn La, Kon Tum…
Vũ chia sẻ: “Có nhiều người ở ngoài Bắc gọi điện thoại vào, gửi tiền đặt cọc, yêu cầu mình chế tạo máy gieo hạt cho họ dù họ và mình chẳng biết được mặt nhau. Có người còn yêu cầu mình chế tạo máy gieo hạt nhiều hàng để đưa sang Lào, Campuchia”. Mày mò sách vở rồi trực tiếp đến gặp gỡ nông dân, Vũ nhận thấy mình cần phải nghiên cứu nhiều loại máy hơn nữa mới mong giải phóng bớt sức lao động và nâng cao được năng xuất.
Sau máy gieo hạt 2 bánh, đến máy gieo hạt 4 bánh, rồi máy gieo hạt rau, máy bón phân tự lấp cho cao su, máy thu hoạch bắp lần lượt ra đời. Để tiện cho việc sản xuất và bán sản phẩm, từ tháng 10-2011, Vũ thành lập Công ty TNHH Vinamach (quận 12, TPHCM). Gần 6 tháng qua, công ty của Vũ đã thực hiện 7 đơn hàng với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Thế nhưng, ông chủ trẻ 8X trên tâm sự rằng nhiều đơn đặt hàng hóa ra lại là một áp lực: “Công ty non trẻ chỉ có 6 nhân viên với năng suất mỗi tháng chừng 3 máy gieo hạt. Mình phải từ chối khéo với các nông dân ở tỉnh xa vì sợ làm không kịp dễ mất uy tín lại khó bảo hành. Máy có gặp sự cố thì mình phải thân chinh ra tận nơi sửa chữa”.
Niềm vui mới đến với Vũ khi chiếc máy gieo hạt mi ni của anh tiếp tục được trao giải khuyến khích hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 2011 (dự kiến trao giải vào tháng 7-2012). Vũ chia sẻ: “Giải thưởng chỉ là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ chế tạo máy nông nghiệp của mình. Không gì vui bằng được làm công việc mà mình thích và hạnh phúc hơn khi nhìn thấy máy móc do mình chế tạo được bà con nông dân tin dùng”.
Theo Sài Gòn Giải Phóng Online
http://www.sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2012/4/286529/